Từ Quốc lộ 1A đi về hướng tây 5 km theo con kênh Phú Ninh N14 sẽ đến làng Đông Mỹ. Người ta đặt tên làng là Đông Mỹ bởi nó rất đẹp và ở vùng đông của con suối Đá Bạc, nói Đông Mỹ rất đẹp thật chưa phải hoàn toàn như thế song người dân ở đây có quyền tự hào về nơi họ đang sống. Ai đã một lần đến đó, biết về con người nơi đó mới hiểu rằng người Đông Mỹ có lý do để gọi quê hương thân thân yêu của mình bẵng cái tên mỹ miều như vậy.
Trong cuộc chiến tranh vệ Quốc vĩ đại người dân ở đây kiên cường bất khuất, nơi đây ngày ấy là họng súng của căn cứ Tuần Dưỡng mà Mỹ đã trút xuống đó không biết bao nhiêu bom đạn song người dân Đông Mỹ chưa bao giờ khuất phục họ đã chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh để rồi được góp công cùng cả nước vui ngày hội non sông, ngày 30 tháng 4 bất diệt. Trong những năm chiến tranh ác liệt ấy biết bao người dân vô tội chết mà không tìm lấy nổi 1 kg xương thịt; tôi đã được mẹ nghe kể về câu chuyện của nhà anh Cả Hoa, nhà bác Trước và còn bao nhiêu gia đình nữa… bom đạn đã cướp đi gần như toàn bộ gia đình họ để rồi nỗi đau ấy cứ còn mãi trong lòng người thân còn sống mà không thể nào nguôi, anh Ba Mai không chịu nổi để hóa điên rồi chết, chị Hai Ngân, Ba Cho phải sống cuộc sống cùng cực đến cả đời và có biết bao con người nữa như thế phải sống mãi trong nỗi đau, nỗi ám ảnh khôn cùng.
Năm tôi lên năm lên sáu đất nước vẫn chưa thể yên vui vì còn chuyện biên giới, chuyện của nước bạn, người dân Đông Mỹ lại lần nữa lại đem máu xương giữ cho đất nước được trọn vẹn niềm vui, vun đắp cho tình bạn bè quốc tế trong sáng keo sơn. Tôi vẫn nhớ những ngày tòng quân nô nức như trẩy hội, bao con người trẻ tuổi chưa một lần hôn lên môi người yêu nụ hôn đầu đã tạm biệt quê hương, tạm biệt mái tranh nghèo lên đường vì nghĩa lớn, trong những người đó tôi vẫn nhớ như in lần chia tay anh Bảy Huy, anh Mai, anh Minh những chàng trai đang căng trong mình sức sống của tuổi thanh xuân, khoát ba lô lên đường sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế mà gương mặt rạng ngời niềm kiêu hãnh vì non sông đất nước, có ai biết rằng đó là lần chia tay cuối cùng với anh Bảy Huy, anh Mai, xong nghĩa vụ chỉ mỗi anh Minh trở về còn hai người vẫn còn ở lại, người dân trong làng hiểu rằng chắc các anh đã hy sinh nhưng vẫn đặt niềm tin rằng một ngày các anh sẽ trở về; ba mẹ các anh: vợ chồng ông Huệ, ông Liêm bà Sỹ đã cạn nước mắt héo mòn chờ con, rồi một ngày nhận được tin báo các anh đã hy sinh trên chiến trường nước bạn thì họ đã không còn đủ nước mắt để khóc, sau này Nhà nước đã tặng bà Sỹ là mẹ Việt Nam anh hùng chỉ để Bà tự hào về đứa con thân yêu của mình, chứ nỗi đau thì chưa lúc nào vơi, ngày đưa hài cốt các anh về làm lễ truy điệu người dân trong làng bỏ việc mà đến viếng các anh trong nước mắt và đau xót.
Đó là chuyện của những ngày còn trong bom đạn. Sang ngày đất nước đổi mới, người dân Đông Mỹ ra sức xây dựng quê hương cho cuộc sống được đổi thay họ đã cần mẫn với từng mảnh vườn, thửa ruộng, song cuộc sống thì vẫn chưa thể thoát được đói nghèo, điều kiện giao thông rất kém, phương tiện thông tin hạn chế, ruộng đồng ít lại ngày càng bị thu hẹp do chính sách kinh tế mới, người dân xứ Bình Sa, Bình Triều lên xây dựng vùng kinh tế mới, Đông Mỹ lại phải nhường đất sản xuất, cuộc sống khốn khó càng khó hơn, thanh niên không có việc làm phải vào nam ra bắc mưu sinh, việc bỏ học đi làm thuê là chuyện phổ biến, dân trí thấp, trong làng chỉ còn có người già bám trụ, việc phát triển kinh tế càng khó khăn hơn, tình trạng dân số tăng không thể tưởng, gia đình Tám Phước, Năm Quyền, Sáu Mai, Cả Lực, Năm Khánh, Tám Sơn, Ba Chung… mỗi gia đình từ sáu đến tám đứa con, do vậy trong khi cả nước kinh tế ngày càng phát triển thì Đông Mỹ người dân vẫn nghèo, có người vẫn còn đói, mặc dù chính quyền địa phương có cố gắng mấy cũng lực bất tòng tâm, có lần nghe chị Phổ, một cán bộ phụ nữ của thôn kể về chuyện đi vận động quyên góp tiền mua quà tặng cho các chàu thiếu nhi nhân tết trung thu, chị nói: làm người cán bộ như chúng tôi thật khổ, đi vận động mà bà con làm gì có tiền mà vận động, không có tiền tổ chức cho các cháu cứ nặng trĩu, đi cả ngày vất vả mà số tiền mua quà cũng chỉ đủ mua quà cho các cháu của vài ba gia đình vì số cháu độ tuổi thiếu nhi đông quá. Chuyện làm cán bộ ở Đông Mỹ nếu không phải là do trách nhiệm với dân, với nước thì không ai đứng ra mà làm. Đông Mỹ nghèo, lạc hậu cũng phải; cả vùng chỉ có con đường giao thông duy nhất để ra quốc lộ, đó là con đường theo bờ kênh N14, mấy năm trước chỉ đi xe máy được có 6 tháng mùa nắng, còn 6 tháng mùa mưa con đường lầy lội không thể đi được, gần đây được trên quan cho kinh phí để làm đoạn đường từ nông trường Bình Trung đi lên theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng dân thì còn đói tiền đâu ra mà làm đường, thế là phải “rút ruột công trình” đem xi măng bán mua cát sỏi về làm do vậy công trình kém chất lượng chỉ được một thời gian ngắn nay đã hỏng, cả một vùng không tính riêng Đông Mỹ bây giờ vẫn chưa có đường ô tô đến được do vậy việc phát triển kinh tế không biết phải dựa vào cách nào. Người dân Đông Mỹ không phải không chịu khó, không phải không thông minh, trong những năm trước cũng như hôm nay hễ ai có được chút ít điều kiện ăn học tử tế đều thành đạt, Thầy Đối, Sen, Phú… là những cái tên cụ thể cho việc cố gắng vượt qua khó khăn học tập đạt kết quả tốt.
Cái tên mỹ miều "Đông Mỹ" được đặt để cho đúng cái nghĩa "đẹp" của những ngày Đông Mỹ xả thân vì Tổ quốc, ngày nay Đông Mỹ không phải không còn đẹp nữa mà cái chân chất, mộc mạc, chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây cũng gợi cho ai đó đã đến, đã tiếp xúc với họ ít nhất cũng thấy đẹp trong lòng, thật lòng mà nói đi trên con kênh N14 thơ mộng nhưng nhìn về Đông Mỹ một ngôi làng xơ xác bên những con người còn khắc khổ mới thấy xót xa làm sao, giá như Đông Mỹ có được một sự quan tâm hơn tí nữa chắc Đông Mỹ vẫn mãi đẹp như cái tên của nó.
Tôi viết bài viết này không phải để ca ngợi Đông Mỹ, cũng không phải để chê Đông Mỹ, đó là nỗi lòng của một người con sinh ra, lớn lên ở đó; dù giờ này không được sống nơi này nhưng lòng tôi vẫn nhớ về Đông Mỹ với những ký ức không bao giờ phai. Nếu ai đó đọc được bài viết này xin hãy gửi về Đông Mỹ một tấm lòng. (Hưng 0983397360).